CẢNG QUỐC TẾ VĨNH TÂN

Hải Quan Online – Khai thác giá trị kinh tế từ hai cửa khẩu cảng biển đầu tiên của Đồng Nai và Bình Thuận

09/09/2021

Với 2 cảng biển đã được đầu tư hiện đại, có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, việc chuyển đổi Chi cục Hải quan Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và Chi cục Hải quan Bình Thuận (tỉnh Bình Thuận) sang mô hình tổ chức Chi cục Hải quan cảng biển (Chi cục Hải quan cửa khẩu) sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp và khai thác các tiềm năng kinh tế tại 2 địa phương này.

Tàu chở thiết bị điện gió cập cảng Quốc tế Vĩnh Tân.

Hai mắt xích quan trọng trong chuỗi logistics phía Nam

Theo Danh mục phân loại cảng biển Việt Nam, Cảng Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai) là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), do Công ty Cổ phần cảng Đồng Nai là đơn vị đầu tư cơ sở hạ tầng và khai thác cảng. Tương tự, Cảng quốc tế Vĩnh Tân (tỉnh Bình Thuận) cũng là cảng tổng hợp thuộc Cảng biển Bình Thuận (cảng biển loại II), do Công ty cổ Phần Cảng Quốc tế Vĩnh Tân (đơn vị thành viên của Pacific Corporation) là đơn vị đầu tư cơ sở hạ tầng và khai thác cảng. Cả hai cảng này đều đã được Hiệp hội cảng biển quốc tế công nhận.

Hai cảng đều có vị trí chiến lược cả thủy và bộ rất thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển cửa khẩu… của các doanh nghiệp. Trong đó, Cảng Đồng Nai hiện đã có hệ thống cầu cảng container và đã khai thác ngành hàng container, đưa cảng Đồng Nai trở thành mắt xích quan trọng của chuỗi logistics. Cảng Đồng Nai có vai trò vừa là cảng biến xếp dỡ hàng tổng hợp trong nước và xuất nhập khẩu, hàng container nội địa… vừa giữ vai trò như cảng cạn (ICD) kết hợp chặt chẽ, kết nối với cảng biển container quốc tế khu vực TPHCM và cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải bằng sà lan tạo thành chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu đường biển đối với dịch vụ xếp dỡ container…

Trong khi đó, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân là cảng nước sâu quy mô lớn, cung cấp các dịch vụ logistics hiện đại, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tổng hợp, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Thuận và các tỉnh lân cận thuộc khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng tháo gỡ điểm nghẽn về kết nối giao thông đối ngoại. Cùng với các dự án hạ tầng trọng điểm khác như sân bay Phan Thiết, Quốc lộ 1A, các đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiêt, Nha Trang – Phan Thiết, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân sẽ thành một chuỗi đồng bộ, đa dạng góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế tỉnh Bình Thuận, tạo động lực thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Nhiều lợi ích từ mô hình tổ chức Chi cục Hải quan cảng biển

Với quy mô xây dựng của 2 cảng nêu trên, cùng với ưu thế vị trí địa lý thuận lợi, tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Thuận không ngừng tăng cao trong những năm gần đây, việc vận hành bộ máy hải quan theo mô hình tổ chức Chi cục Hải quan cảng biển là yêu cầu cần thiết hiện nay.

Cụ thể, việc vận hành bộ máy hải quan theo mô hình tổ chức Chi cục Hải quan cảng biển có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Cảng Đồng Nai và Cảng Quốc tế Vĩnh Tân phù hợp với quy hoạch chung khu cảng, đô thị theo quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Thuận, đảm nhận một phần hàng hóa của cảng biển nhóm 5 (Cảng Đồng Nai) và cảng biển nhóm 4 (Cảng Quốc tế Vĩnh Tân).

Hiện tại, hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận và các tỉnh lân cận phải làm thủ tục chuyển cửa khẩu từ các cảng của TPHCM về Đồng Nai, Bình Thuận (hoặc ngược lại) mất rất nhiều thời gian, chi phí do phải kéo container xa, chi phí vận tải đường bộ cao hơn so với tuyến đường thủy.

Do đó, việc vận hành bộ máy hải quan theo mô hình tổ chức Chi cục Hải quan cảng biển tại hai cảng này sẽ giúp giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đồng thời giảm tải cho các cảng của TPHCM, giảm ùn tắc giao thông đang ngày càng gia tăng trên các tuyến đường bộ do vận chuyển hàng hóa giữa TPHCM với Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, các tỉnh Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, theo Cục Hải quan Đồng Nai, số liệu thực tế về số lượng doanh nghiệp làm thủ tục, số tờ khai, kim ngạch xuất nhập khẩu và kết quả thu nộp ngân sách tại 2 địa bàn này cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động thương mại, đầu tư và xuất nhập khẩu. Tiềm năng, triển vọng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội của Đồng Nai và Bình Thuận còn rất lớn, đặc biệt khi hai tỉnh đã và đang xúc tiến kêu gọi, thu hút đầu tư bằng những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, những đổi mới, cải tiến trong phương thức quản lý cùng với vị trí địa lý thuận lợi, tiếp giáp cận kề với TPHCM. Do đó, việc vận hành bộ máy hải quan theo mô hình tổ chức Chi cục Hải quan cảng biển là phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Để đáp ứng nhu cầu đang tăng lên đó, quy mô các bến cảng thuộc Cảng biển Đồng Nai và Cảng Quốc tế Vĩnh Tân cũng đang phát triển nhanh chóng. Đây chính là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tạo điều kiện thuận lợi đối với các hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Hệ thống giao thông cũng được triển khai xây dựng phát triển tương xứng theo nhịp độ phát triển của hệ thống khu công nghiệp và cảng biển.

Do đó, việc vận hành bộ máy hải quan theo mô hình tổ chức Chi cục Hải quan cảng biển sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế của các địa phương, đồng thời, phù hợp với chủ trương, định hướng phát triến kinh tế – xã hội của Đồng Nai, Bình Thuận và khu vực.

Cục Hải quan Đồng Nai đánh giá, việc vận hành bộ máy hải quan theo mô hình tổ chức Chi cục Hải quan cảng biển tại tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Thuận sẽ góp phần tăng giá trị thương hiệu của Cảng Đồng Nai, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân khi là cửa khẩu nhập cảng biển đầu tiên tại hai tỉnh này với nhiều lợi thế cạnh tranh về hoạt động xuất nhập khẩu. Điều này cũng sẽ tạo đột phá về cải cách hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khi hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Theo Hải Quan Online

  • Tags:
  • Share: