CẢNG QUỐC TẾ VĨNH TÂN

Quy hoạch mở tương lai cho miền Trung – Tây Nguyên

21/11/2022

Vùng Duyên hải miền Trung nằm trên trục giao thông chính Bắc – Nam, kết nối với Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia; có tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên. Đây cũng là địa bàn có tiềm năng lớn về kinh tế biển, đóng vai trò “mặt tiền” của nền kinh tế. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, kinh tế của Vùng có sự khởi sắc và tăng trưởng liên tục.

Tại Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, giai đoạn 2001 – 2019, tốc độ tăng GRDP bình quân toàn Vùng luôn duy trì ở mức cao (10,25%/năm). Giai đoạn 2011 – 2019, tuy có sự sụt giảm so với thời kỳ trước (đạt 8,14%), song vẫn cao hơn mức tăng trưởng trung bình của cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của Vùng được đầu tư khá đồng bộ, các chuỗi đô thị ven biển hình thành, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển, du lịch và mở rộng các không gian kinh tế.

 Tại Tây Nguyên, kinh tế – xã hội đã đạt được nhiều kết quả khá toàn diện. Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287.000 tỷ đồng, gấp khoảng 14 lần năm 2002; GRDP bình quân giai đoạn 2002 – 2020 đạt 7,98%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ; công nghiệp phát triển nhanh; hình thành vùng sản xuất nông sản lớn, với nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu của cả nước… Dẫu vậy, Tây Nguyên vẫn còn khó khăn; phát triển kinh tế chưa bền vững, quy mô GRDP còn thấp.

Cảng Quốc tế Vĩnh Tân là một trong những cửa ngõ kết nối miền Trung và các tỉnh Tây nguyên, giúp vận chuyển các trang thiết bị siêu trường, siêu trọng và cả thực phẩm. 

Miền Trung – Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội và quốc phòng – an ninh của đất nước. Bởi vậy, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết để tạo điều kiện phát triển cho khu vực này và trên thực tế, miền Trung – Tây Nguyên cũng đã đạt được nhiều thành quả quan trọng.

Trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ: phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi toàn vùng tới các cảng biển, cảng hàng không nội địa và quốc tế.

Có thể thấy, với Nghị quyết số 23-NQ/TW, sự phát triển của Duyên hải miền Trung – Tây Nguyên được gắn chặt với nhau. Một khi giải được điểm nghẽn về hạ tầng và quy hoạch, trong tương lai, khu vực miền Trung – Tây Nguyên sẽ là cực tăng trưởng mạnh của cả nước.

  • Tags:
  • Share: